Pages

Thứ Năm, 6 tháng 12, 2012

Hàng tết đầy chợ, người mua chưa đông


Đang trong những ngày cao điểm bán hàng tết. Lượng khách đến mua hàng đã tăng 20 – 30% so với tuần trước nhưng nhiều tiểu thương ở TP.HCM cho biết chưa vui, vì sức mua vẫn đang thấp hơn 10 – 20% so với thời điểm này năm ngoái.


Tiểu thương bán hàng tết vui vẻ cười với khách. Ảnh: Thanh Hảo


Ông Năm Minh, chủ sạp tôm ngay mặt tiền chợ Bình Tây (quận 6) cứ đi tới đi lui, thi thoảng lại khoát tay xua vài con ruồi bu trên cây tôm. Vẻ mặt ông Năm Minh hằn rõ nét buồn. Ông vừa đi đi lại lại, vừa liên tục đưa mắt nhìn ra phía ngoài xem có ai vào hỏi mua tôm. Đã 10.1 (17 tháng chạp). Ông Năm Minh nói: “Thị trường tết rất lạ. Cứ như người dân không ăn tết. Các sạp chẳng mua chẳng bán được gì”. Trong chợ, hàng hoá chất ngồn ngộn ở khu vực bán hàng đặc sản khô. Từng cây tôm khô vàng ươm đóng vào các túi nilông năm mười ký xếp cao lút đầu người...


Sẵn hàng chờ khách
Chợ Bến Thành được coi là nơi có không khí mua sắm tết nhộn nhịp và sớm hơn các chợ khác ở khu vực quận 1 nhờ có thêm lượng khách du lịch, khách từ các tỉnh khá lớn. Thế nhưng, lúc 11 giờ trưa ngày 10.1, ở các sạp bán bánh mứt, người bán vẫn thong dong ngồi tán dóc, thỉnh thoảng mới có khách vào xem hàng.

Đứng từ trục giữa chợ Bến Thành nhìn cả bốn hướng cửa đông – tây – nam – bắc, thì lượng khách khá đông, nhưng chủ yếu là qua lại ngắm hàng hoá, chụp hình lưu niệm… “Đi coi nhiều chứ khách mua ít lắm”, người bán hàng ở sạp Thành Mỹ cho biết. Chính vì khách vắng, nên dù giá mua sỉ các loại mứt đều tăng khoảng 10 – 15%, nhưng giá bán lẻ ở Bến Thành hiện bằng hoặc chỉ tăng khoảng 5.000 – 10.000 đồng/kg (khoảng 5%) so với năm ngoái, như mứt dừa dẻo, gừng Huế loại ngon vẫn ở 130.000 – 150.000 đồng/kg. Sự chênh lệch giá bán lẻ giữa các sạp gần như không còn. Người bán chiều khách hết lòng, sẵn sàng mang cả chục thứ mứt, ô mai, kẹo… mời khách thử. Chị Hạnh, một nhân viên bán hàng ở quầy bánh mứt ngay trung tâm chợ Bến Thành cho biết: “Mua nhiều, thì em xách hàng ra xe giùm cho”.

Tại chợ Bà Hoa, khác hẳn không khí công nhân miền Trung thường tụ về đây sắm hàng mang về quê rất đông vui từ sáng đến tận tối khuya của năm ngoái, đến ngày 10.1 (17 tháng chạp) vẫn còn khá vắng. Chất đầy các loại bánh, kẹo, nước ngọt trong cửa hàng, bà Tư, chủ cửa hàng thực phẩm trên đường Trần Mai Ninh ngay trước khu chợ Bà Hoa, lo lắng: “Không biết tết này có bán hết được không, tui thấy công nhân nào đến mua cũng than thưởng tết hẻo quá, mà vé xe về quê lại tăng cả trăm ngàn đồng”.

Đặc sản giá cao nên khó bán

Tại chợ Bình Tây, người thì cho rằng đặc sản năm nay giá quá cao nên bán chậm, người thì bảo vì kinh tế khó khăn nên dân chi tiêu dè sẻn hơn. “Nhiều công ty không lo nổi lương, thưởng, mà giá một ký tôm khô loại xịn từ triệu mốt tới triệu rưỡi một ký lô thì khó bán là đúng rồi”, một số người bán hàng ngồi tám với nhau như vậy. Các loại tôm loại nhỏ hơn, giá cũng tăng 20 – 30% so với năm ngoài, từ 300.000 – 800.000 đồng/kg. Khô mực, khô bò, khô cá… giá năm nay cũng cao hơn năm ngoái từ 50.000 – 150.000 đồng/kg.

Tại một sạp đồ khô, chị Thuỷ, nhà ở đường Lê Hồng Phong, quận 10 cầm xem bịch khô mực giá gần 600.000 đồng/kg mãi mà chưa dám mua. Chị Thuỷ nói: “Tết năm nay không lo đủ tiền tàu xe nên không về quê ở Thái Bình được. Tôi muốn mua vài thứ đặc sản khô làm quà để gửi đứa cháu về biếu ông bà nội. Đụng đến món gì giá cũng cỡ nửa triệu đồng/kg”.

Theo ông Sáu Tiền, chủ lò sản xuất tôm, khô mực ở Phước Tỉnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, sở dĩ hai mặt hàng này cao giá là do sản lượng đánh bắt năm nay giảm. Hồi tháng 9, tháng 10 năm ngoái, biển động nên giá tôm, mực tươi tăng khá mạnh. Không chỉ có chợ đầu mối ở TP.HCM ế ẩm, mà ngay cả các lò tôm, khô mực ở Vũng Tàu cũng không bán hết hàng. “Ế lắm chú ơi, gần hết năm mà trong kho còn cả trăm tấn tôm khô, mực khô”, ông Sáu Tiền cho biết.

Bích Nga – Hoàng Bảy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét